7 Rủi Ro Trong Nuôi Tôm Sú Và Cách Phòng Tránh
Công bằng mà nói, đã làm kinh tế thì đương nhiên sẽ gặp phải rủi ro. Người xưa có câu “có gan làm giàu”. Gan chính là can đảm chấp nhận rủi ro, hy vọng sẽ gặp được vận may. Thị trường biến động đưa giá tôm lên cao, nhiều bà con đã làm giàu từ chính nghề nuôi tôm.
Nuôi tôm sú nói riêng thường sẽ gặp những rủi ro như khi nuôi trái vụ, khi giá tôm lao dốc, bệnh do môi trường nước xấu sinh ra, chất lượng tôm giống không đảm bảo, khi chuyển đổi qua một mô hình mới, sử dụng những sản phẩm mới, do kỹ thuật nuôi chưa vững, v.v…
Trong phạm vi bài viết này, Thủy Sản Tin Cậy sẽ lần lượt trình bày chi tiết các rủ ro đã nêu ở trên và cách phòng tránh những rủi ro này để bà con tham khảo.
1. Nuôi tôm trái vụ
Khi nuôi tôm trái vụ, điều kiện thời tiết không thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Thứ nhất là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn. Thứ 2 là mùa lạnh tôm rất khó nuôi, chậm lớn, dễ bị bệnh. Thứ 3 là không có nguồn nước đủ độ mặn cần thiết để nuôi tôm. Ngược lại, những yếu tố bất lợi đối với tôm nuôi nói trên lại là điều kiện thích hợp cho mầm bệnh phát triển và góp phần tạo ra dịch bệnh cho tôm.
Lúc bà con thả tôm lại là thời điểm thu hoạch và cải tạo nền đáy ao của hầu hết các ao tôm khác, nên môi trường nước trên các sông, rạch thường bị ô nhiễm nặng và mầm bệnh luôn tồn tại ở mức cao. Do đó, thả giống trong thời gian này nếu xử lý nước không tốt thì rất dễ dẫn đến dịch bệnh phát sinh và lây lan, gây thiệt hại cho người nuôi và cả những ao tôm xung quanh.
Ngoài yếu tố thời tiết (yếu tố khách quan) không thể cải thiện được thì bà con tác động vào yếu tố chủ quan, đó chính là nguồn nước. Để tránh việc phải lấy nguồn nước sông ô nhiễm để xuống vụ mới thì bà con nên tái sử dụng nguồn nước cũ từ vụ trước.
Nước đã nuôi qua nhiều vụ thì nên xử lý bằng hệ thống tuần hoàn. Hiện nay có nhiều kỹ sư giỏi đã xây dựng hệ thống tuần hoàn này thành công, hoạt động rất hiệu quả, bà con nên tham quan và học hỏi công nghệ.
2. Giá tôm lao dốc
Tôm sú vẫn được xếp vào hàng ngũ thực phẩm cao cấp, chủ yếu được xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chỉ là một nước có thế mạnh về xuất khẩu tôm bên cạnh các nước sản xuất tôm lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… nên giá tôm trong nước bị ảnh hưởng bởi cung cầu tôm trên thị trường thế giới rất nhiều.
Nếu các nước mạnh kể trên đạt năng xuất cao, xuất khuẩu nhiều thì tôm Việt Nam sẽ bị ép giá, từ đó bà con sẽ bị hòa vốn hoặc lỗ nếu không trúng mùa.
Nhìn vào biểu đồ, xét từ năm 2013 đến năm 2021, chúng ta dễ dàng nhận thấy giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng cao, ngược lại tôm sú bị giảm đi rất nhiều. Chứng tỏ thị trường thế giới đã không còn ưa chuộng con tôm sú của Việt Nam nhiều như trước.
Để tránh nhiều hộ, nhiều khu vực thả giống đồng loạt dẫn đến nguy cơ lúc thu cũng đồng loạt, thương lái ép giá, thì bà con nên có 1 số ao, thả giống cách nhau, làm sao cho ao nào cũng có tôm với những kích cỡ khác nhau, thu hoạch nhỏ lẻ lần lượt các ao. Mặc dù nuôi sẽ vất vả hơn vì phải làm việc liên tục nhưng rủi ro về giá sẽ thấp hơn.
3. Bệnh tôm do môi trường nước xấu sinh ra
Các bệnh thường sinh ra trong các ao nuôi có chất lượng nước không tốt (đáy ao dơ, tảo tàn, thiếu oxy, có nhiều khí độc NH3, NO2, H2S, hại khuẩn cao,…) và mật độ thả nuôi cao bao gồm đóng rong, đen mang, mềm vỏ, mòn phụ bộ, chậm lớn, teo gan, phân trắng, …
Nguyên nhân gây ra nước xấu là do lượng đạm và photpho dư thừa trong nước. Lượng dinh dưỡng này có xuất phát điểm từ thức ăn tôm không ăn hết, chất thải tôm, xác tảo phân hủy, xác vi sinh.
Nếu không được xi phông hằng ngày hoặc dùng vi sinh có lợi để phân hủy thì lượng đạm và photpho sẽ tích tụ trong ao ngày càng nhiều, sinh ra khí độc, tiêu thụ mất oxy của tôm, của vi sinh vật có lợi. Từ đó lượng hại khuẩn càng tăng cao, tôm dễ mắc các bệnh nêu trên.
Để xử lý bệnh do môi trường thì trước tiên bà con cần thay bớt 30% nước ao, xi phông đáy, sau đó diệt khuẩn bằng BKC, đánh vôi và zeo để lắng tụ chất lơ lửng trong ao. Tiếp theo là sục khí mạnh, bổ sung vi sinh vật có lợi vào nước để làm sạch nước, phân hủy khí độc, ức chế hại khuẩn, cắt tảo độc. Nếu khí độc cao thì phải dùng kết hợp thêm dòng vi sinh chuyên để xử lý khí độc, bà con lưu ý.
Tham khảo các Chế phẩm sinh học hỗ trợ trong nuôi thủy sản
- Chế phẩm sinh học EM AQUA chuyên xử lý nước
- Men vi sinh xử lý khí độc NO2
- Men vi sinh xử lý khí độc NH4/NH3
- Men vi sinh xử lý đáy ao nuôi
- Men vi sinh xử lý phèn
- Chế phẩm xử lý khí độc H2S Rhodo Power
- Chế phẩm sinh học EM1 (Em gốc) dùng cho thủy sản
- Men tiêu hóa dạng bột cho thủy sản
- Men tiêu hoá dạng nước cho thuỷ sản
Trong quá trình xử lý nước, bà con bổ sung vitamin C, giải độc gan, men tiêu hóa, thảo dược, hoạt chất beta-glucan để tăng sức đề kháng cho tôm. Sau khi sức khỏe tôm đã ổn định, nước đã đạt thì bà con tạt khoáng kích lột để tôm lột đi lớp vỏ đã bị đóng rong, với lớp vỏ mới sạch sẽ, cứng cáp tôm sẽ sống một cuộc đời mới. Và phải xử lý nước định kỳ, nếu không thì tình trạng trên lại tiếp tục tiếp diễn.
4. Chất lượng con giống không đảm bảo
Con giống chất lượng kém thì khả năng đề kháng và chống chịu với môi trường sẽ kém, tôm chậm lớn, và thêm nguy cơ mắc các bệnh về virus. Nhiều người nuôi ít để ý, khi mua thì chọn theo cảm quan, nghe bà con xung quanh, tin lời nhà cung cấp giống mà ít chú ý đến khâu kiểm dịch tôm.
Trước khi thả, tôm giống từ các trại giống nên được kiểm tra thường xuyên, bằng mắt thường hoặc tốt hơn là bằng kính hiển vi. Sức khỏe tôm cũng nên được đánh giá 01 lần/tuần sau khi thả. Điều này có lợi cho việc duy trì sự phát triển tối ưu của tôm và phát hiện các dấu hiệu bệnh có thể xảy ra.
Những điều quan trọng cần kiểm tra: tôm bơi khỏe, hình thái bình thường, ruột đầy, không có động vật ký sinh, không bị đục cơ, tỷ lệ cơ và chiều rộng ruột là 3:1, gan tụy to và sẫm màu, không có hiện tượng tăng hàm lượng melanin (thể hiện bằng các đốm đen đến nâu), không có cặn bẩn trên đầu tôm,…
Và hơn hết là xét nghiệm PCR âm tính đối với virus gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (IHHNV), virus gây hoại tử cơ (IMNV), virus hội chứng Taura (TSV), virus đầu vàng (YHV) và virus gây hội chứng đốm trắng (WSV). Không có sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio harveyi gây bệnh phát sáng và ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây bệnh vi bào tử trùng.
5. Chuyển đổi qua mô hình mới
Bà con nuôi tôm đều biết rằng nuôi tôm ao đất gặp nhiều rỉ ro, như là khó xi phông đáy, không có ao lắng để cấp nước vào trong trường hợp nguy cấp, phèn tiềm tàng dễ rò rỉ vào nước, nuôi lâu năm làm đất bạc màu dẫn đến khó gây màu nước. Và hơn hết là tôm nuôi ao đất dễ bị bệnh hơn, còi cọc, chậm lớn, khi bệnh thì khó xử lý cũng vì lý do khó khăn về nguồn nước sạch.
Cùng với sự tiến bộ của khoa học, nhiều bà con dần dần chuyển đổi từ ao đất sang ao lót bạt bờ, rồi bạt đáy, xa hơn nữa là làm ao tròn nổi, rồi đến hệ thống tuần hoàn biofloc,… Vơi mô hình hiện đại, bà con có thể chủ động nguồn nước, chủ động xử lý khi có sự cố và có thể nuôi mật độ từ cao đến rất cao.
Và rủi ro lớn nhất khi chuyển đổi lên mô hình hiện đại đó chính là chi phí đầu tư. Với nguồn vốn ban đầu khá lớn, nếu hệ thống chưa hoạt động hiệu quả, không cho ra năng suất cao, bà con chưa quen với cách nuôi mới, cộng với giá tôm sú tụt giảm thì khả năng thu hồi vốn nhanh là khá thấp. Một vụ tôm sú kéo dài từ 4-5 tháng, vì vậy chi phí bỏ ra rất cao. Bà con nên cân nhắc nguồn vốn trước khi bắt đầu chuyển đổi mô hình nuôi.
6. Sử dụng sản phẩm mới
Sản phẩm mới bao gồm men vi sinh EM, hóa chất diệt khuẩn, thảo dược, khoáng, kháng sinh,… Nhất là men vi sinh, trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp với chất lượng hoàn toàn không tương đồng, do đó gây khó khăn cho bà con rất nhiều khi phải thử nghiệm và chọn lựa thương hiệu nào phù hợp với nhu cầu của mình.
Rủi ro khi chuyển qua sản phẩm mới đó chính là chi phí để trải nghiệm sản phẩm. Các sản phẩm sẽ khác nhau 1 chút về thành phần dẫn đến giá thành khác nhau. Các thương hiệu thuốc thủy sản cũ và mới tràn ngập trên thị trường, ai cũng giới thiệu sản phẩm của mình là vượt trội về chất lượng và giảm giá thành, vậy làm sao để bà con cân nhắc lựa chọn?
Ngoài kia bao la bão tố quá thì bà con hãy về đội của Tin Cậy, trao niềm tin và nhận được sự hài lòng tuyệt đối nhé.
7. Kỹ thuật nuôi chưa vững
Nhất là đối với các Cô Chú Anh Chị mới khởi nghiệp nuôi tôm chưa có nhiều kinh nghiệm, rất khó nhận biết và phán đoán tình trạng của nước, tôm, do đó không biết xử lý khi có sự cố xảy ra.
Thí dụ như tảo tàn, khí độc lên cao, tôm chậm lớn,… đều không biết nguyên nhân tại sao và phải làm gì. Thậm chí có người còn không biết diệt khuẩn cho nước ao trước khi nuôi, không biết dùng vi sinh để làm gì, tất tần tật vấn đề gì cũng dùng vôi để giải quyết.
Đó chỉ là vấn đề nhỏ, nếu tôm bệnh thì phải xử lý như thế nào lại là chuyện lớn hơn nữa. Do không nghiên cứu về kỹ thuật nuôi nên mới nuôi thất bại, không còn vốn để bắt đầu vụ tới.
Tin Cậy hy vọng những bà con khởi đầu nuôi tôm sú trong ao đất thì nên tham khảo những lưu ý trước khi nuôi trong bài viết sau để tránh những sai lầm không đáng có: https://thuysantincay.com/10-luu-y-khi-nuoi-tom-ao-dat/
Vạn sự khởi đầu nan, khi bước chân vào một lĩnh vực mình chưa thông thạo thì đương nhiên sẽ gặp nhiều rủi ro. Việc bà con liên tục rút kinh nghiệm và cải tiến liên tục sẽ giúp các vụ sau suôn sẻ và thành công, từ từ sẽ chuyển lên mô hình nuôi công nghệ cao ít gặp rủi ro hơn. Kính chúc bà con vụ mùa thuận lợi.
Tác giả: Trinh Nguyễn
Mọi thắc mắc về “7 Rủi ro trong nuôi tôm sú và cách phòng tránh”, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY
Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 650 369 – 0902 885 547 – 0902 701 278 – 0933 015 035 – 0902 671 281
Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com
Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com
Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy
Facebook: Tin Cậy Group | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ