10 Lưu Ý Khi Nuôi Tôm Ao Đất

Nuôi tôm ao đất là mô hình nuôi xa xưa nhất, truyền thống nhất của người Việt, xuất phát từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trước khi phát triển lên thành các mô hình ao tròn công nghệ cao, hệ thống tuần hoàn, ao lót bạt chìm, lót bạt nổi,… thì bà con vẫn duy trì nuôi ao đất từ năm này qua năm khác.

Hiện nay dù các mô hình trên có phát triển vượt bậc thì nhiều hộ vẫn chọn nuôi tôm trong ao đất như cũ.Tôm nuôi trong ao đất thường có màu sắc đẹp hơn, tôm hấp thu được nhiều khoáng, dưỡng chất tự nhiên có sẵn, chi phí đầu tư thấp.

Tuy nhiên mô hình này hiện gặp nhiều khó khăn khi nuôi mật độ dày hơn trước, nguồn nước đầu vào không còn tốt, thời tiết biến động, dịch bệnh lan tràn khó kiểm soát,…

10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất

Vậy đối với những Cô Chú nuôi lâu năm hay các Anh Chị mới bắt đầu nuôi quyết định bắt đầu bằng ao đất cho nhẹ chi phí thì cần biết những lưu ý gì cho giảm nhẹ các rủi ro? Bài viết này sẽ đưa ra câu trả lời, mời bà con cùng theo dõi.

1. Công tác đào, san vét ao trước khi lấy nước vào

Đối với ao mới, bà con làm các bước sau:

  • Kiểm tra tất cả bờ ao, tránh hiện tượng rò rỉ khi lấy nước vào, be bờ chắc chắn để tránh xì phèn.
  • San bằng đáy ao, hơi dốc về phía cống thoát hay giữa ao để dễ thu gom chất thải.
  • Rửa đáy nhiều lần.
  • Dựa vào pH đất để xác định lượng vôi cần bón nhằm nâng pH đất lên mức tối ưu cho hoạt động của thủy sinh vật trong ao. Nếu pH 4-5 thì dùng 80-90kg vôi Cao/1.000m2 nước, pH càng cao lượng vôi dùng càng ít lại.
  • Lấy nước vào và ngâm từ 3-5 ngày.
  • Xả bỏ nước trong ao và phơi đáy ao lại 7-10 ngày trước khi lấy nước vào chuẩn bị thả tôm.

Đối với ao cũ, bà con làm các bước sau:

  • Tháo cạn nước.
  • Nạo vét bùn đáy vì lớp đất đáy chứa nhiều mầm bệnh, chất thải của vụ trước.
  • Rửa đáy ao nhiều lần.
  • Bón vôi và phơi nền đáy ao cho khô trong 5-7 ngày trước khi lấy nước vào ao nuôi. Đối với những ao có phèn không nên phơi đáy quá khô để hạn chế hiện tượng xì phèn.

Đối với ao bị nhiễm mầm bệnh vào vụ trước, bà con phải:

  • Cải tạo ao kỹ hơn.
  • Dùng Chlorine để diệt hết khuẩn, giáp xác và mầm bệnh trong ao nuôi.
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất

2. Xử lý phèn sắt – phèn tiềm tàng có sẵn ở khu vực nuôi

Dùng test Fe hãng sera để kiểm tra lượng phèn đang có trong ao. Nếu kết quả ra Fe >0.5 mg/l thì bà con phải tiến hành hành khử phèn:

  • Phèn từ 0.5 – 1 mg/l, bà con nên dùng men vi sinh BIO-TCxh (BIO-TC5) liều lượng 1 lit/1.000m3 nước để hạ phèn. Tạt 2-3 buổi trưa.
  • Phèn cao thì bà con nên xử lý phèn trong ao lắng trước bằng vôi nóng CaO và Phân hữu cơ Humic Mỹ. Công thức kết hợp là 100kg CaO + 1 kg Humic cho 1.000m3 nước. Sau khi phối trộn nguyên liệu này, bà con cho xuống ao, bật quạt cho hỗn hợp vôi phân phân tán đều rồi tắt quạt cho nước im, phèn lắng xuống. Qua 24 tiếng thì hút lớp nước mặt để sử dụng, loại bỏ phần cặn ở đáy.
  • Nước này bà con vẫn nên xử lý bằng men vi sinh BIO-TCxh (BIO-TC5) 1 lần nữa cho lượng phèn còn xót lại cũng bị đưa về mức an toàn, phù hợp cho tôm phát triển.
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất

Bà con có điều kiện thì nên lót bạt bờ hoặc bạt đáy luôn để ngăn phèn từ đất xì vào nước vì chi phí xử lý nước rất tốn kém.

Bà con xem video chứng minh hiệu quả của men khử phèn:

3. Công đoạn lấy nước vào, diệt tạp, diệt khuẩn

Lấy nước vào ao:

  • Sau khi bón vôi và phơi đáy ao xong thì tiến hành lấy nước đầy vào ao nuôi, ao nông sâu tùy thuộc vào người nuôi nhưng thường dao động trong khoảng 1.5 – 2.5m.
  • Nước cấp vào ao phải được lọc qua lưới mịn để gạt bỏ hết đi những cặn bẩn hoặc giáp xác mang mầm bệnh vào ao.

Công đoạn diệt tạp:

  • Sau khi lấy đủ nước thì mở quạt nước liên tiếp 3 ngày để kích thích trứng của các vật chủ trung gian như tôm, cua nở thành ấu trùng.
  • Chuẩn bị ngâm SAPONIN12 tiếng trước khi sử dụng với liều 10kg/1.000m3 nước. Tạt đều khắp ao kết hợp với mở máy quạt nước để diệt cá tạp. Cá chết thì vớt ra khỏi ao.
  • Bà con nên sử dụng đồng sunfat (phèn xanh) với liều lượng khoảng 3kg/1.000m3, đồng thời kết hợp với Snail để diệt hến, chem chép, ốc đinh,…

Công đoạn diệt khuẩn:

  • Tùy thuộc vào nguồn nước, tình trạng tôm vụ trước, thời gian chuẩn bị ao dài hay ngắn mà chọn loại thuốc phù hợp. Các loại thuốc diệt khuẩn đang có trên thị trường như: Clorine, thuốc tím, thuốc cá, CuSO4, BKC, Iodine,…
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất

4. Gây màu nước ao

Khi tôm sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu thì chi phí thức ăn giảm đáng kể. Hơn nữa tốc độ tăng trưởng của tôm sẽ gần như là gấp đôi, và càng về đích tôm sẽ phát triển nhanh hơn, tốt hơn so với ao không tạo thức ăn tự nhiên bằng cách gây màu nước.

Màu nước sẽ tạo điều kiện cho phiêu sinh vật phát triển, giúp che bớt ánh sáng rọi xuống tầng đáy làm cho tảo đáy ao không phát triển mạnh ảnh hưởng có hại đến ao nuôi tôm.

Ngoài ra sự phát triển của sinh vật phù du còn làm giảm các chất độc hại, giúp tôm giảm sốc. Và quan trọng nhất là tăng lượng oxy hòa tan vào nước, ổn định pH, nhiệt độ môi trường.

Có 2 cách gây màu nước hiệu quả:

  • Cách 1: trộn đều hỗn hợp 3 kg mật rỉ đường + 1 kg cám gạo hoặc cám ngô + 3 kg bột đậu nành, ủ kín trong 12 giờ là dùng được. Liều lượng 2 – 3 kg/1.000m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày cho đến khi ao lên màu đẹp, đạt độ trong 30 – 40 cm thì tiến hành thả giống.
  • Cách 2: ủ chế phẩm men vi sinh EM Aqua cám gạo theo công thức:

1 lit EM Aqua gốc + 1 lít mật rỉ đường + 2 kg cám gạo + 10g muối + 46 lit nước sạch, ủ kín 5-7 ngày. Liều lượng 20 – 30 lít EM cám gạo/1.000m3 nước, 2 ngày tạt 1 lần, chạy quạt liên tục đến khi đạt được màu nước đẹp: màu trà hoặc màu xanh nhạt (màu chuối non).

10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất

Bà con tham khảo giá combo EM Aqua ở link sau: https://thuysantincay.com/combo-em-aqua-va-mat-ri-duong/

5. Khi ao nuôi nhiều năm bị bạc màu, thiếu dưỡng chất, tôm lâu lớn

Đất bạc màu là tình trạng thường thấy ở những ao đất nuôi liên tục nhiều năm. Quy trình xử lý nước bằng thuốc cá bao, thuốc cá dây, thuốc tím, chlorine,… dễ làm đất bạc màu, thiếu dưỡng chất.

Sự tồn đọng các hóa chất này trong đất còn kiềm hãm các vi sinh vật phù du phát triển, từ đó dẫn đến khó gây màu nước. Các khoáng sẵn có trong đất cũng bị mất đi, người nuôi phải bổ sung lượng khoáng lớn vào ao, gây lãng phí.

Nếu ao đang gặp tình trạng trên thì bà con nên dùng chế phẩm sinh học WEHG thủy sản với liều lượng:

  • 4 lit/10.000m2, sau 3 ngày tiếp tục tạt 2 lit/10.000m2.
  • Trong tháng đầu tiên cứ 7 ngày thì tạt 3 lit/10.000m2.
  • Sau 30 ngày thì định kỳ 20 ngày tạt 5 lit/10.000m2.
  • Chế phẩm WEHG bà con hòa với nước theo tỉ lệ 1/40 rồi tạt đều khắp ao lúc 8-10h sáng.

Dùng kết hợp với chế phẩm vi sinh Rhodo Powerkhoáng BLUEMIX để tạo màu nước nhanh, kích thích tảo khuê phát triển tốt hơn.

10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất

6. Mật độ giống cần thả

Tùy thuộc vào khu vực, vào kinh nghiệm của bà con mà chúng ta chọn mật độ nuô thích hợp. Với ao có diện tích từ 1.500 – 4.000m2 thì nên thả mật độ giộng dao động từ 30 – 100 con/m2 nhằm đạt lợi nhuận cao nhất, dễ quản lý và giảm rủi ro.

Tính trên diện rộng, tỷ lệ nuôi thành công trên ao đất hiện nay chỉ khoảng 30%, trong khi khoảng 40% mất trắng và 30% hòa vốn. Ao đất khó thay nước, khó xi phông sạch đáy, do đó bà con không nên chú trọng thả mật độ dày mà hãy chú trọng xử lý nước cho kỹ, tối thiếu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận. Nếu nuôi vụ nào cũng trúng thì sẽ ổn định và yên tâm hơn là nuôi mật độ cao mà gặp phải sự cố.  

7. Xử lý tảo trong ao đất

Hàm lượng đạm cao từ thức ăn không được tôm tiêu thụ hết sẽ bị lắng xuống đáy, kết hợp với các chất hữu cơ khác có sẵn trong nước làm hiện tượng phú dưỡng xảy ra, từ đó tảo phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh các loại tảo có lợi cho tôm như tảo lục, tảo khuê thì các loại tảo độc như tảo lục, tảo giáp, tảo mắt cũng phát triển. Tôm ăn các loài tảo độc vào sẽ bị rối loạn tiêu hóa, tắc nghẽn đường ruột, từ đó dễ bị bệnh phân trắng.

Vậy khi thấy nước có màu xanh thì bà con phải diệt bớt tảo, tránh để tảo đến giai đoạn tàn rồi phải diệt gấp làm sụp tảo toàn ao tôm. Bà con diệt tảo an toàn bằng cách sau:

  • Nếu tảo còn ít thì đánh vi sinh EM2 liều 20 – 30 lit/1.000m3 vào 3 đêm liên tục, tảo sẽ bị ức chế và chết từ từ, không ảnh hưởng đến tôm. Sau đó thay bớt nước, tăng cường men tiêu hóa cho tôm.
  • Nếu tảo dày thì bà con đánh 1 lit BKC/3.000m3 nước, 48 tiếng sau đánh vi sinh bán đêm liều 20 lit/1.000m3 vào 3 đêm liên tục.
  • Sau khi đánh vi sinh thì kết hợp 30 kg vôi CaCO3 + 20-25 kg Zeolite. Tùy vào mật độ tảo mà cân chỉnh liều lượng. Zeolite và vôi sẽ giúp tảo khuê phát triển mạnh, đồng thời áp đảo tảo giáp và tảo lam, giúp mau lấy lại màu trà.
  • Dùng Yucca để hấp thu bớt khí độc trong nước, và chạy quạt liên tục để tăng oxy trong nước do tảo sụp thường xuất hiện khí độc, oxy thấp khiến tôm nổi đầu.
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất

8. Xử lý khí độc phát sinh

H2S, NO2 và NH3 là 3 loại khí độc rất nguy hiểm cho tôm. Trong đó NO2 là khí độc nguy hiểm vì nó tăng rất nhanh và cũng rất khó xử lý.

Bà con thường xuyên kiểm tra hàm lượng khí độc, pH và oxy trong ao bằng các loại test nhanh, nếu màu nước chuyển biến xấu thì nguy cơ khí độc bùng phát là rất lớn. Do đó dùng biện pháp thay nước, tạt vi sinh khử khí độc chuyên dụng, dùng Zeolite, Yucca để hấp thu khí độc là hành động bà con cần phải thực hiện ngay.

Bà con tham khảo cách xử lý chi tiết từng loại khí độc kể trên ở bài viết: https://thuysantincay.com/khi-doc-trong-ao-nuoi-va-cach-xu-ly/

9. Ổn định pH, kiềm, khoáng trong ao đất

Ổn định pH:

  • pH nước biến động nhiều sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tôm. pH lý tưởng cho tôm nằm trong khoảng 7-8. pH cao thì nồng độ khí độc NH3 (Amonia) chiếm ưu thế, còn pH thấp thì nồng độ khí độc H2S sẽ tăng cao.
  • Đối với tôm, nếu pH trong ao nuôi xuống thấp rất dễ gặp tình trạng tôm bị dính chân không thể rút ra khỏi vỏ khi lột xác. Trường hợp này thường xảy ra sau thời gian mưa lớn kéo dài. Nếu muốn nâng pH thì bà con dùng 50 – 100 kg Ca(OH)2, bón khi trời mát, chiều tối hoặc trời mưa. 
  • Nếu pH > 8.3 vào buổi sáng, có thể dùng đường cát hoặc mật rỉ đường với liều lượng 1 kg đường cát hoặc 1 lit mật rỉ đường/1.000m2, hòa tan và tạt đều khắp ao. 
  • Quan sát và điều khiển lại độ tảo trong ao, nếu lượng tảo phát triển quá lớn cũng sẽ làm ảnh hưởng đến độ pH trong ao nuôi tôm vì vậy để hạ độ pH trong ao nuôi cũng cần phải diệt rong rêu, cỏ dại và hạn chế tảo phát triển. Sử dụng EM2vào buổi tối từ 9-10h tối với liều lượng 20 – 30 lit/1.000m3 để giảm mật độ tảo thông qua đó hạ độ pH của nước thấp xuống.

Ổn định kiềm:

  • Độ kiềm, pH và mật độ tảo có liên quan mật thiết với nhau. Độ kiềm càng thấp pH biến động càng lớn. Trong quá trình nuôi bà con cần phải duy trì độ kiềm trong khoảng 80 – 180 mg/l CaCO3 để ổn định được pH.
  • Độ kiềm thấp: tôm lột xác bị mềm vỏ, yếu, chậm lớn, dễ bị bệnh, tỷ lệ sống thấp, ao khó gây màu nước,… Độ kiềm cao: tôm bị bó cứng, khó lột xác, chậm lớn, còi cọc, dễ nhiễm bệnh, hạo hụt.
  • Nâng kiềm bằng hỗn hợp sau: 30kg vôi nóng CaO + 40kg vôi canxi CaCO+ 5kg khoáng cứng vỏ + 20kg Mg + 5-7kg Kali + 15- 20kg Sodium Bicarbonate, trộn chung, khuấy đều, xử lý cho ao 1.000m3, chia đều đánh 4 lần trong nửa ngày. Ngày hôm sau pH sẽ tăng lên 7.5 – 8, kiềm tăng lên 120 mg/l CaCO3.
  • Giảm kiềm bằng cách thay nước 30%, dùng 20- 30 lít EM2/1.000m3(EM2 được ủ tăng sinh từ chế phẩm vi sinh EM1) đánh liên tục 3-4 đêm vào lúc 7-8h tối , tảo trong ao được kiểm soát sẽ giúp làm giảm độ kiềm.

Ổn định khoáng:

  • Các nguyên tố khoáng như Kali, Canxi, Magie,…là những thành phần quan trọng trong cấu tạo cơ thể tôm từ lớp vỏ đến cơ thịt . Giai đoạn lột vỏ, tôm cần khoáng rất nhiều cho quá trình hình thành lớp vỏ mới và hồi phục lại sức khỏe. Khi thiếu khoáng chất, tôm rất dễ bị cong thân đục cơ, lột không hết, mới lột xong không mau làm vỏ mới rất dễ bị con tôm khác ăn thịt.
  • Khi thấy tôm có hiện tượng mềm vỏ hay cơ thịt không được trong, cần phải định kỳ tạt khoáng Canxi và Magie với liều lượng khoảng 1kg/1.000m3 đều khắp ao.
  • Ngoài việc hấp thu khoáng để cứng vỏ thì tôm cũng cần khoáng để giúp phát triển cơ thịt nên cần trộn khoáng nước Nova-Calphos vào thức ăn với liều lượng 5-10ml/kg thức ăn, giúp tôm chắc thịt, nặng ký, mau lớn.
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất
10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất

10. Can thiệp khi trời mưa

  • Chất rắng lơ lửng bị rửa trôi từ bờ đất xuống ao, làm nước đục, ánh sáng mặt trời bị ngăn cản ít nhiều, từ đó gây ra tảo chết đột ngột. Sau khi sụp tảo, nắng lên, tốc độ sinh trưởng của khuẩn hại rất nhanh. Vì vậy, sau khi trời mưa, bà con thường có động thái diệt khuẩn, tuy nhiên phải chọn loại diệt khuẩn nhẹ nhàng tránh làm tôm sốc.
  • Đo pH, kiềm và hàm lượng oxi hòa tan liên tục. Vôi có vai trò tăng và ổn định pH, vì vậy sau khi mưa 1 tiếng phải cho vôi xuống ao. Tin Cậy khuyên bà con nên dùng vôi nóng CaO 15-20kg/1.000m3, Bicar 12-15kg/1.000m3, khoáng đánh liều cao hơn bình thường 1 chút. Trong trường hợp trời vẫn tiếp tục mưa và mưa lớn hơn thì bà con vẫn tiếp tục đánh cùng liều lượng những thứ trên sau 1-2 tiếng kể từ lần 1, dù trong mưa hay trong đêm cũng phải đánh.
  • Đối với tôm lớn 60-70 ngày, sau mưa 2-3 tiếng là phải đánh oxi viên cấp cứu kịp thời để tôm thở, tôm không bỏ ăn, chết râm.
  • Đối với những ao tôm mới thả, mưa nhiều quá làm nước trong, phải nhanh chóng gây màu lại bằng men vi sinh ủ với cám gạo. Trong 2 ngày mà gây màu không lên thì phải đưa màu giả vào nước.
  • Đối với những ao tôm lớn, lượng chất hữu cơ nhiều, khuẩn hại nhiều thì phải diệt khuẩn bằng iodine. Cố gắng hôm sau thay nước, sau khi thay phải tạt yucca, zeolite để hấp thu khí độc. Sau đó cấy lại vi sinh liều cao để vi sinh có lợi ác được vi sinh có hại.
  • Giảm lượng cho ăn ít nhất 30% và giảm sâu hơn nếu nhiệt độ tiếp tục giảm.
  • Đối với ao có độ mặn thấp, cần tăng cường Magie và Kali, thường đánh 5 kg khoáng Magie, 2-3 kg KCl/1.000m3 để giúp tôm điều hòa thẩm thấu.
  • Phải bổ sung khoáng ăn, vitamin các loại, men vi sinh, giải độc gan, chất điện giải để tăng sức đề kháng và tăng điện giải cho tôm, giúp tôm có đủ sức để vượt qua giai đoạn môi trường biến động.

Bà con có thêm câu hỏi gì vui lòng liên hệ công ty Tin Cậy để được giải đáp. Chúc bà con nuôi tôm suốt vụ thuận lợi, trúng mùa, giá cao.

Tác giả: Trinh Nguyễn

Mọi thắc mắc về “10 Lưu ý khi nuôi tôm ao đất”, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY

Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 650 369 – 0902 885 547 – 0902 701 278 – 0933 015 035 – 0902 671 281

Email: [email protected]; [email protected], [email protected]

Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com

Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy

Facebook: Tin Cậy Group | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ

Contact Me on Zalo