Cách Nhận Biết Và Chữa Trị Cá Koi Bị Xuất Huyết
Mình rất ngưỡng mộ những Anh/Bạn có thú chơi cá cảnh mà còn set up hồ rất cẩn thận và chăm chút nữa chứ. Bởi vì để có được một hồ cá đẹp “vạn người mê” thì đầu tiên người chơi phải thật sự thích. Quá trình từ “thích thích” thành “thương thương” đó nó dài lắm, ai trải qua rồi mới hiểu.
Đầu tiên là phải biết chuẩn bị nước làm sao cho cá chịu được, rồi phải chọn thức ăn phù hợp, vệ sinh định kỳ, đúng cách sao cho cá không bị sốc, rồi tiếp đến là nhận biết cá bị bệnh và chữa trị cho giỏi. Cá cảnh nói chung và cá Koi nói riêng chăm rất cực vì chúng hay bệnh.
Nếu không có nhiều kinh nghiệm thì khó nhận biết được khi mầm bệnh vừa mới khởi sự, từ đó không xử lý sớm, để kéo dài thì khả năng cao là cá chết, gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi. Bước vào mùa mưa, nhiệt độ môi trường thay đổi nhanh chóng, cá lại hay mắc bệnh, mà bệnh xuất huyết lại thường gặp nhất.
Do đó, trong bài viết này, Tin Cậy sẽ hướng dẫn Anh Chị Em chơi cá cách nhận biết sớm và chữa trị khi cá lỡ dính bệnh xuất huyết nhé.
Dấu hiệu nhận biết bệnh xuất huyết
Xuất huyết nhẹ tức là thành mạch máu bị tổn thương, máu bị rò rỉ qua da, từ đó chúng ta thấy thân, đuôi, vây, mắt cá xuất hiện cá đốm đỏ nhỏ. Xuất huyết nặng thì mạch máu bị vỡ trên diện rộng, thân cá sẽ bị đỏ những mảng lớn, bầm, gốc vây bị đỏ, toàn bộ cơ quan nội tạng bị chảy máu rất nhiều. Đây là dấu hiệu nhận biết dễ nhất, chỉ cần quan sắt bằng mắt là phát hiện được.
Cá bị xuất huyết nhẹ (bên trái) và xuất huyết nặng (bên phải)
Các dấu hiệu khác là mắt cá bị đục, lồi, xuất huyết, mang tái nhợt, sờ vào thân sẽ thấy da cá thô ráp, mất nhớt. Khi nhấc đầu cá Koi lên có máu nhạt lờ lờ chảy ra từ hậu môn. Nếu bị nhẹ cá sẽ hay cạ mình xuống đáy hồ, nặng thì bơi lờ đờ hay nổi lên mặt nước nơi có nước chảy hoặc chỗ sủi oxi. Bệnh kéo dài từ 1 đến 2 tuần, trong thời gian đó nếu người nuôi điều trị không đúng cách thì cá sẽ bị nặng hơn rồi chết.
Nguyên nhân gây bệnh
Cá bị xuất huyết do vi khuẩn Aeromonass bùng phát khi môi trường nước không tốt. Ví dụ như:
- Hệ thống lọc không hoạt động tốt, thức ăn và phân cá thải ra không được xử lý triệt để, dẫn đến khí độc NH3, NO2 tích tụ làm tăng nitrat trong hồ, gây stress và ngộ độc cho cá.
- Cho cá ăn quá nhiều làm hệ thống lọc hiện tại bị quá tải, không lọc kịp.
- Vi sinh đang sử dụng không ổn, vi sinh yếu không đủ khả năng xử lý phân cá, thức ăn thừa, nhớt cá, không cân bằng được pH, môi trường.
- Cá Koi mới mua về do cơ sở dưỡng không được tốt gặp môi trường lạ và xấu khiến đề kháng của cá kém đi và sẽ bị hại khuẩn tấn công.
- Không vệ sinh hồ thường xuyên, không bổ sung vitamin C, men tiêu hóa, hoạt chất tăng đề kháng cho cá.
Cá Koi nuôi ao thường bị xuất huyết. Cá Koi Nhật nuôi hồ nhỏ thì thường mắc bệnh ở giai đoạn trưởng thành, cá nhỏ ít thấy bị nhiễm. Khu vực miền Bắc, cá thường bị mắc bệnh vào 2 mùa chính là mùa xuân (tháng 3 – 4 dương lịch) và mùa thu (tháng 8 – 9 dương lịch).
Cách điều trị khi cá Koi bị xuất huyết
Thứ 1: Chuẩn bị tank, bắt những con cá đang bị xuất huyết ra tank và tiến hành diệt khuẩn. Có thể dùng thuốc tím với tỷ lệ 10g / 80-100 lít nước tùy theo cá nặng hay nhẹ. Hoặc dùng Novadine (Povidone Iodine) với liều 1 ml /1.5 – 2 m3 nước rất an toàn cho cá.
Thứ 2: Chạy oxi và tạt vitamin C (10gr /1m3 nước), Beta Garlic (1gr /1m3 nước) vào nước. 2 hoạt chất này giúp cá khỏe, giải stress, tăng sức đề kháng lướt bệnh, đặc biệt Beta Garlic còn có công dụng điều trị bệnh xuất huyết cũng như các bệnh lở loét, thối đuôi, viêm ruột, sưng chướng bụng trên cá nữa.
Thứ 3: Nếu cá bệnh nặng thì trộn kháng sinh Doxycycline HCl vào thức ăn với liều lượng 1 gr/ 2 kg thức ăn/ ngày, cho ăn liên tục trong 5-7 ngày. Hoặc Oxytetracycline HCl 2 – 3 gr/1 kg thức ăn/ lần, cho ăn ngày 2 lần, cho ăn liên tục 5 ngày.
Nếu cá bỏ ăn thì ngâm cá với Oxytetracycline HCl liều lượng 10gr/100 lít nước, ngâm liên tục từ 5-7 ngày. Trong 5-7 ngày điều trị cũng phải bổ sung liên tục vitamin C và Beta Garlic nhé.
Thứ 4: Đối với hồ ban đầu thì chúng ta cũng phải diệt khuẩn bằng Novadine để ngăn chặn vi khuẩn Aeromonass hoành hành gây bệnh sang các con cá khác. Sau đó thay từ từ 30% nước và vệ sinh bộ lọc.
Thứ 5: Sau 48 tiếng diệt khuẩn thì cấy lại vi sinh EM Aqua cá Koi. Vi sinh có lợi sẽ ức chế vi sinh có hại, từ đó vừa ngăn chặn được mầm bệnh bùng phát, vừa làm sạch nước, cải thiện chất lượng nước trong hồ Koi. Đồng thời cũng bổ sung vitamin C và Beta Garlic cho hồ này luôn nhé.
Cách phòng ngừa bệnh xuất huyết trên cá Koi
- Đối với cá Koi nuôi trong ao bùn
- Phải hút bùn đáy và vệ sinh ao nuôi kỹ trước khi thả cá, bón vôi CaCO3 và phơi ao để diệt mầm bệnh.
- Chọn cá giống khỏe mạnh. Trước khi thả nuôi, tắm cá bằng muối 3% để sát trùng vết thương do vận chuyển.
- Không nuôi chung với các loài cá khác có khả năng mang mầm bệnh.
- Cho cá ăn vừa đủ, không dư thừa tránh làm dơ nước.
- Định kỳ 5-7 ngày phải tạt vi sinh EM Aqua để làm sạch nước. Liều dùng là 1 lit EM Aqua/1.000m3 nước.
- Hàng tháng phải treo ngập nước túi có chứa 2-4kg vôi bột ở đầu bè, đặc biệt là vào mùa nước nổi.
- Trộn kháng sinh cho cá ăn vào những thời điểm giao mùa hoặc trước khi vận chuyển cá. Sử dụng Oxytetracycline HCl 2 – 3 gr/1 kg thức ăn/ lần, cho ăn ngày 2 lần, mỗi tuần cho ăn 2 ngày để phòng bệnh.
- Đối với cá Koi nuôi trong hồ nhỏ hoặc hồ kính
- Cần phải có 1 hồ Koi với hệ thống lọc đủ tiêu chuẩn, trang bị thêm đèn UV và bộ sục oxy dự phòng.
- Cho cá ăn thức ăn tốt, vừa đủ, kích thước viên thức ăn phù hợp cho từng size cá.
- Mỗi ngày cho ăn 2 lần, không cho ăn quá nhiều và liên tục.
- Trong khi thời tiết quá xấu hoặc môi trường không được tốt hãy tạm thời cho cá nhịn ăn để giữ nước đước đảm bảo.
- Khi mua cá mới về cần kiểm tra kỹ, tắm thuốc tím và dưỡng ở bể riêng trước khi thả vào hồ chính.
- Định kỳ 5-7 ngày phải tạt vi sinh EM Aqua để làm sạch nước. Liều dùng là 1 lit EM Aqua/1.000m3 nước.
- Bổ sung men tiêu hóa, vitamin C, Beta Garlic mỗi ngày cho cá phát triển tốt.
Tin Cậy xin nói rõ hơn về phần lựa chọn thức ăn xịn, chuẩn, tốt cho cá Koi để Anh Chị Em dễ chọn lựa trong vô vàn những thương hiệu cám hiện có trên thị trường nhé. Thức ăn tốt đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe cá. Khi dùng cám tốt có chứa đạm và các vitamin, khoáng có lợn, cá sẽ không bị xệ bụng, phát triển từ từ nhưng khỏe, body săn chắc, màu sắc đẹp, lướt bệnh tốt, hơn nữa cám sẽ không làm vàng nước, ô nhiễm nước, dễ dàng để xử lý.
Cám cá Koi HIKARI Friend là một trong những ứng cử viên sáng giá đưọc nhập khẩu từ đất nước mặt trời mọc. Dù là cám cao cấp nhưng giá thành của HIKARI Friend lại rất phải chăng so với chất lượng vượt trội của cám. Ưu điểm của dòng cám này như sau:
- Dạng viên nổi cho phép người nuôi dễ dàng theo dõi thói quen ăn của cá, đồng thời dễ điều chỉnh lượng thức ăn.
- Sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, viên thức ăn dễ tan, nhưng không làm đục nước ao.
- Nguyên liệu được chọn lọc kĩ lưỡng từ các loại thực vật rau, củ, quả và các phụ gia khác của động vật với tỷ lệ thích hợp, tạo ra viên thức ăn ngon miệng, cá thích ăn, nhờ đó cá ăn nhiều hơn, không gây lãng phí.
- Chứa Vitamin C, A, D3, E và cả các các thành phần amino acids cần thiết nên rất tốt cho sự phát triển, lên màu của cá Koi và các loại cá kiểng khác.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp Anh Chị Em nuôi cá Koi có thêm thông tin để nhận biết và chữa trị bệnh xuất huyết cho cá Koi đúng cách. Chúc Anh Chị Em có 1 đàn cá Koi khỏe mạnh.
Tác giả: Trinh Nguyễn
Mọi thắc mắc về “Cách nhận biết và chữa cá Koi bị xuất huyết”, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY
Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 650 369 – 0902 885 547 – 0902 671 281 – 0903 908 671
Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com
Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com
Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy
Facebook: Tin Cậy Group | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ