Bản Chất Của Oxygen-Viên Cấp Oxy Cho Ao Tôm, Cá
Công ty Tin Cậy đã tiếp nhận xử lý khá nhiều trường hợp ao nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi cá mật độ cao, gặp tình trạng cá nổi đầu, chết hàng loạt vào buổi sáng. Kèm theo đó là màu nước đen hoặc xanh màu tảo, có phèn.
Những ao này thường nước bị tù, hoặc có lắp máy phun nước ở giữa ao, nhưng kết quả test nhanh oxy thì đại đa số là bị thấp dưới mức quy định, không đủ oxy cho cá sinh trưởng dẫn đến cá bị nổi đầu.
Trong trường hợp này bà con cần phải bổ sung oxy cấp tốc để cá quay trở về các tầng nước dưới. Vậy phải bổ sung như thế nào, cơ chế sản sinh oxy của những sản phẩm này ra sao, sử dụng có ảnh hưởng xấu (tác dụng phụ) đến động vật thủy sản hay sức khỏe con người không? Bà con cùng theo dõi bài viết để hiểu rõ hơn về sản phẩm trước khi sử dụng nhé.
Bản chất của Oxygen
Nguyên tố Oxy hay còn gọi là Oxygen là kết hợp của hai từ Hi Lạp: oxys, nghĩa là acid, và genes, nghĩa là tạo ra.
Tên gọi hóa học của Oxygen là Sodium carbonate peroxide hay Sodium Percarbonate (PCS), thường được bà con gọi với tên đơn giản là Oxy viên, Oxy hạt, Oxy bột, Oxy nguyên liệu,… nhưng bản chất nó là như nhau. Oxy viên lớn thì sẽ tan chậm hơn oxy viên nhỏ hoặc oxy bột.
Tham khảo sản phẩm: Nova Oxygen cung cấp oxy cấp cứu ao nuôi
Oxygen có công thức hóa học là 2Na2CO3.3H2O2. Nó là hợp chất muối vô cơ rắn, màu trắng, hút ẩm, có tính oxy hóa, tan nhanh chỉ trong vài phút, khi tan sẽ giải phóng một lượng lớn oxy phân tử và nhiệt vào nước.
Phương trình phản ứng:
2Na2CO3.3H2O2 à 2Na2CO3 + 3H2O + 1,5O2 + nhiệt
Hòa tan 1 kg PCS vào nước sẽ sinh ra 0.6m3 khí oxy vào trong ao nuôi. Bà con sẽ thấy khi cho vào nước, Oxy viên sẽ tan ra, bọt khí bong bóng sẽ bay lên rất nhiều, đó chính là khí oxy.
Công dụng và cách sử dụng Oxygen
Công dụng:
Như đã nói ở trên, công dụng quan trọng và đáng chú ý nhất của Oxygen đó là cung cấp oxy, cấp cứu cho ao tôm, cá đang bị thiếu oxy do nuôi mật độ cao, khí độc tích tụ nhiều, hệ thống quạt nước hoặc sục khí bị sự cố hoặc bị mất điện đột xuất. Việc oxy bị thiếu hụt cũng có thể do tảo chết đột ngột hoặc do nhiệt độ nước thay đổi.
Việc bổ sung oxy vào nước không những giúp tôm cá được cấp cứu kịp thời mà còn giúp hệ sinh vật trong nước phát triển mạnh, làm trong nước, đó là 3 hệ sau:
- Hệ sinh vật đáy: các giáp xác chân chèo, giun, ốc, nghêu. Nhu cầu oxy của chúng không cao.
- Hệ phiêu sinh vật – tảo: hệ sinh vật này sử dụng oxy tương đối nhiều và ảnh hưởng đến tôm. Ban ngày chúng quang hợp tạo ra oxy nên làm tăng oxy trong nước. Nhưng ban đêm chúng lại hô hấp, mà hoạt động này thì sử dụng oxy thải ra CO2, do đó làm giảm oxy ảnh hưởng đến tôm cá về đêm.
- Hệ vi sinh biofloc tự nhiên: nhiệm vụ của chúng là phân giải chất thải của tôm tạo ra các bông bùn biofloc, các bông bùn này trở thành thức ăn phụ cho tôm. Chúng cũng tiêu thụ oxy rất nhiều tương đương với lượng cần thiết cho tôm.
Ngoài ra, Oxygen còn có khả năng oxy hóa màng tế bào của ký sinh trùng, vi khuẩn, nấm và tảo, nhờ đó PCS cũng được dùng để diệt khuẩn, kiểm soát tảo. Oxy tham gia vào các phản ứng hóa học phức tạp, từ đó khí clo và kim loại nặng sẽ bị loại bỏ, đồng thời kích thích cá tiết chất nhờn bảo vệ, tăng điện giải, ngừa nấm và hại khuẩn tấn công.
Không những bà con nuôi tôm cá trong ao lớn, mà Anh Chị nuôi cá cảnh cũng rất cần phải trữ sẵn 1 xô Oxygen trong nhà phòng trường hợp nguy cấp, hoặc là để ngừa nấm, diệt khuẩn, làm sạch nước trong hồ nhỏ hoặc bể kính.
Tuy vậy việc sử dụng Oxygen chỉ là biện pháp tức thời khi máy bơm đang có sự cố hoặc tôm cá đang bị nổi đầu hoặc trong quá trình vận chuyển cá đi xa, bởi vì Oxygen chỉ cung cấp oxy trong 10 – 18 tiếng.
Trong thời gian đó bà con phải khắc phục sự cố máy móc, dùng vi sinh làm sạch nước, kích thích tảo có lợi phát triển bởi vì đây mới chính là nguồn cung cấp oxy lớn nhất và quan trọng nhất cho môi trường nước, không hóa chất nào có thể thay thế được.
Cách sử dụng:
Cấp cứu tôm, cá nổi đầu do thiếu oxy: 1,5 kg/ 1.000 m3 nước ao.
Cung cấp oxy lúc thả giống và lúc mất tảo: 1kg/ 1.000 m3 nước ao.
Bà con chú ý phải đeo găng tay khi tiếp xúc với Oxygen vì nó có tính oxy hóa nên sẽ ăn mòn da. Và khi tạt Oxygen phải đứng đầu hướng gió cũng tương tự như rải thuốc tím vậy.
Nếu bà con dùng đúng liều lượng (không sử dụng quá liều và quá nhiều lần trong 1 vụ) và lưu ý khi tiếp xúc với Oxygen như Tin Cậy có đề cập ở trên thì bà con sẽ hoàn toàn yên tâm khi sử dụng, không lo ảnh hưởng đến hệ sinh thái đáy ao. Oxygen an toàn cho sức khoẻ con người, thủy sản, phân huỷ không để lại dư lượng có hại trong ao, hiệu quả, tiết kiệm.
Khi không sử dụng hết thì bà con đậy kín xô, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm ướt, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào trực tiếp, tránh lửa, tránh nguồn nhiệt.
Có thể sử dụng Oxy già thay cho Oxygen được không?
Hydrogen Peroxide (H2O2 – Oxy già) và Sodium Carbonate Peroxide (2Na2CO3.3H2O2 – Oxygen) có chung công dụng là cấp oxy hòa tan, khử trùng, diệt tảo cho ao tôm cá trong trường hợp khẩn cấp, do đó bà con có thể dùng thay thế hoặc dùng chung 2 loại này với nhau. Tuy nhiên, Oxygen dạng rắn đóng gói trong xô, dễ bảo quản, dễ sử dụng hơn nên được bà con nuôi trồng thủy sản ưa chuộng hơn.
Oxy hòa tan là nhân tố quyết định sự sống đối với sinh vật trên Trái Đất nói chung và động vật thủy sản nói riêng. Thiếu oxy thì các hoạt động sống sẽ dừng lại. Vì lẽ đó, bà con cần thường xuyên kiểm tra hàm lượng oxy trong nước và có biện pháp dùng Oxgen, lắp thêm dàn quạt, … để bổ sung lượng oxy bị thiếu hụt trong ao.
Qua bài viết, Tin Cậy mong muốn mang đến cho quý bà con nhiều thông tin bổ ích cũng như những sản phẩm hữu ích, công dụng tốt và thân thiện với con người và môi trường.
Tác giả: Trinh Nguyễn
Mọi thắc mắc về “Bản chất của Oxygen-Viên cấp oxy cho ao tôm,cá”, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY
Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 650 369 – 0902 885 547 – 0902 701 278 – 0933 015 035 – 0902 671 281
Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com
Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com
Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy
Facebook: Tin Cậy Group | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ