Phòng Và Trị 9 Bệnh Thường Gặp Trên Cá Trắm Cỏ
Cá trắm cỏ là giống cá nước ngọt, thuộc họ cá chép, là loài có kích thước khá lớn, thời gian nuôi cũng khá dài. Cá thương phẩm có trọng lượng trung bình từ 3-5kg/con. Thông thường sau 1 năm nuôi thì cá sẽ đạt trọng lượng 1kg/con.
Nguồn ảnh: Internet
Thời điểm thả cá vụ xuân là khoảng tháng 2 đến tháng 3. Tính đến thời điểm này thì bà con đã thả giống được 1 đến 2 tháng, nước ao đã có dấu hiệu xấu đi, là điều kiện để cho vi khuẩn, vi-rút manh nha bùng phát. Do đó, bà con cần trang bị kiến thức về xử lý nước, quản lý mầm bệnh tốt để đưa đàn cá về đích, thu được lợi nhuận như mong đợi. Để giúp bà con có cái nhìn tổng quan, Tin Cậy xin gửi đến bà con hướng dẫn cách phòng và trị 9 bệnh thường gặp trên cá trắm cỏ. Mời bà con theo dõi nhé.
Nguồn: khách hàng của Tin Cậy cung cấp
Phải làm gì khi nghi ngờ cá bị bệnh?
- Bà con bắt cá lên quan sát tổng thể bên ngoài: da, mang, vây, hậu môn, bụng. Sau đó mổ cá ra xem nội tạng bên trong xem bất thường ở đâu.
- Kiểm tra chỉ tiêu DO (oxy) trong nước. Nếu DO < 4 mg/l thì phải nhanh chóng mở các thiết bị cấp oxy cho ao với công suất lớn nhất. Nếu không có thì phải rải oxy viên để cấp oxy tức thời nhằm cứu những con chưa bị nặng. Liều lượng: 1.5 kg/1.000m3 nước, oxy viên sẽ cấp oxy liên tục sau 10-18 tiếng.
- Sát trùng toàn bộ ao bằng BKC (liều lượng: 0.5 lit/1.000m3 nước) hoặc Iodine (liều lượng: 0.5 lit/1.000m3 nước) để tiêu diệt các vi khuẩn cơ hội (khi cá yếu, nước bẩn chúng sẽ nhân cơ hội đó để bùng phát làm bệnh xuất huyết trầm trọng hơn và gây ra nhiều bệnh khác nữa). Hòa BKC với nước sạch, tỷ lệ 1:20, tạt đều khắp ao vào buổi trưa.
- Thay 30% nước nếu có nước sạch để cấp vào ao. Tại sao phải sát trùng rồi mới thay nước? Vì để tránh đưa virus vào nguồn nước làm lây lan nguồn bệnh các ao hồ khác. Đây chính là nguyên do làm dịch bệnh lan tràn trên diện rộng.
- 48 tiếng sau khi sát trùng thì phải đánh vi sinh liều cao. Mục đích là làm sạch nước, ức chế vi khuẩn, virus gây bệnh. Xử lý nước là ưu tiên số 1 vì nuôi cá là nuôi nước, nước sạch thì cá mới khỏe. Bà con tưởng tượng sống trong một môi trường dơ bẩn, mầm bệnh vây quanh, không muốn ăn mà nước lại thiếu oxy thì làm sao có sức mà vượt qua được. Dùng vi sinh xử lý nước tuy có chậm nhưng hoàn toàn an toàn và đạt hiệu quả cao xét về lâu dài. Cá đang yếu mà lại cho ăn kháng sinh liều cao, không xử lý nước thì chỉ có thất bại thôi. Công thức phối trộn vi sinh như sau:
3 lit EM Aqua + 3 lit TC4 + 200 gr TC7 + nước sạch, tạt đều trên diện tích 1.000m3 vào buổi sáng.
Nghỉ 2 ngày, đánh lại 1 nhịp, đánh 3 nhịp vi sinh như thế là nước sẽ được cải thiện.
- Sau khi tỷ lệ cá chết đỡ hơn thì bà con bắt đầu trộn kháng sinh, vitamin C, viatmin tổng hợp, khoáng đa vi lượng, men tiêu hóa, beta glucan, thuốc bổ gan cho cá ăn. Lúc mới cho ăn trở lại thì cho ăn ít, bằng 1/3 – 1/2 lượng thức ăn bình thường. Cá còn đang yếu, nếu cho ăn nhiều cá sẽ không ăn hết, lại vô tình lãng phí thức ăn và làm dơ nước. Do đó, bà con cứ căn cứ theo sức ăn của cá mà tăng dần lượng thức ăn lên qua các ngày.
- Định kỳ 7-10 ngày hoặc 10-15 ngày (tùy chất lượng nước) mà tạt vi sinh để ức chế mầm bệnh tiềm tàng và làm sạch nước. Lieuf lượng bằng 1/3 so với liều lúc cá bệnh.
Tham khảo các Chế phẩm sinh học hỗ trợ trong nuôi thủy sản
- Chế phẩm sinh học EM AQUA chuyên xử lý nước
- Men vi sinh xử lý khí độc NO2 (Bio-TC8)
- Men vi sinh xử lý khí độc NH4/NH3 (Bio-TC3)
- Men vi sinh xử lý đáy ao nuôi (Bio-TC7)
- Men vi sinh xử lý phèn (Bio-TC5)
- Chế phẩm xử lý khí độc Rhodo Power (Bio-TC4)
- Chế phẩm sinh học Em Gốc (EM1)
- Men tiêu hóa dạng bột dùng cho thủy sản
- Men tiêu hoá dạng nước dùng cho thuỷ sản
9 bệnh thường gặp gồm những loại nào? Cách chữa ra sao?
Thứ 1: Bệnh xuất huyết
Tác nhân gây bệnh là vi-rút Grass carp reovirus II (GCRV II) . Sau khi cá chết thì virus sẽ lan truyền trong nước dưới hình thức cá – cá, cá – ốc, ếch, động vật phù du – cá,… làm mầm bệnh cứ thế bùng phát, lây nhiễm rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Cá trắm cỏ mắc bệnh xuất huyết trong vòng 5 – 7 ngày có thể chết 60 – 80%, có ao chết trắng 100%. Bệnh thường hoành hành vào cuối xuân, đầu hè (tháng 3 đến tháng 5) và mùa thu (tháng 7 đến tháng 10), bà con lưu ý khoảng thời gian này nhé.
Dấu hiện nhận biết: xét cả bên ngoài và nội tạng bên trong.
- Bên ngoài: giai đoạn nhẹ bà con quan sát sẽ thấy cá có màu sẫm hơn bình thường, hay nổi lờ đờ trên mặt nước, bỏ ăn, vận động kém. Cá bị nặng sắp chết sẽ thấy nắp mang, khoang miệng, vây, bụng, mắt cá xuất huyết. Ngoài dấu hiệu xuất huyết rõ ràng thì nếu quan sát kỹ bà con còn phát hiện cá bị sình hơi, chướng bụng và sưng đỏ hậu môn.
- Nội tạng: ruột bị sưng, không có thức ăn, nặng thì xuất huyết toàn bộ nội tạng lẫn lớp da dưới vảy, ruột xuất huyết nhưng không hoại tử. Khi cá đã bị xuất huyết rồi thì tỷ lệ tử vong gần như là tuyệt đối, chỉ có thể cứu nhưng con còn bị nhẹ mà thôi.
Nguồn ảnh: Internet
- Cách chữa bệnh: Bệnh do virus gây ra nên không thể dùng kháng sinh để chữa. Do đo, bà con phải giữ nước ao sạch, tăng cường hệ miễn dịch cho cá bằng vitamin C và beta glucan, không nuôi ở mật độ quá dày, ổn định môi trường. Đối với bệnh do virus gây ra thì ngừa bệnh ngay từ đầu là giải pháp tối ưu nhất. Hiện nay khoa học đã nghiên cứu ra phương pháp tiem vaccin cho cho cá để ngừa xuất huyết nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.
Thứ 2: Bệnh đốm đỏ
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Aeromonas. Tỷ lệ chết có thể lên tới 50 – 70% tổng đàn cá trong ao. Bệnh đốm đỏ thường gặp trên cá trắm cỏ hơn 1 năm tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường gặp nhất là vào mùa xuân và mùa thu.
Dấu hiện nhận biết: xét cả bên ngoài và nội tạng bên trong.
- Bên ngoài: Cá hay nổi lờ đờ trên mặt nước, bỏ ăn, vận động kém. Vảy cá bị tróc ra, da cá đổi sang màu tối hơn, không có ánh bạc, cá bị mất nhớt, khô ráp, hậu môn viêm đỏ và lồi ra. Xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ trên thân, các gốc vây, quanh miệng, mắt lồi đục, xuất huyết, bụng chướng to, xơ vây, tia vây cụt dần.
- Nội tạng: Gan tái nhợt, mật đen sẫm, thận nhũn, tuyến sinh dục, bóng hơi đều xuất huyết. Ruột không có thức ăn, thành ruột xuất huyết, nhiều chổ bị hoại tử, xoang ruột chứa nhiều chất nhầy và hôi thối.
Nguồn ảnh: Internet
- Cách chữa bệnh: Trộn Amoxicillin 50%, 1 gr/15 kg cá/ngày. Cho ăn 2 lần trong ngày, liên tục 3-5 ngày. Hoặc trộn Doxycycline 50%, 1 gr/30 – 40 kg cá/ngày, cho ăn liên tục 5-7 ngày.
Thứ 3: Bệnh thối mang
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Myxococcuspiscicolas. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu.
Dấu hiệu nhận biết: Các tia mang bị mòn dần, có dính bùn, xuất huyết và thối nát.
- Cách chữa bệnh: Trộn Oxytetracycline 500, 2 – 3 gr/1 kg thức ăn/lần, ngày cho ăn 2 lần, liên tục 5 ngày.
Thứ 4: Bệnh lở loét
Tác nhân gây bệnh là do nấm Alphanomyces Invadan phát triển len lỏi ăn sâu vào trong thịt cá. Ngoài ra còn có những tác nhân gây bệnh cơ hội khác như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.
Dấu hiện nhận biết: Trên thân cá bệnh có các vết lở loét ăn rất sâu vào cơ thể và gây cho cá chết đồng loạt.
- Cách chữa bệnh: sát trùng nước bằng BKC để diệt khuẩn và nấm trong nước.
Thứ 5: Bệnh nhiễm độc máu
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Aeromonas, Yersinia ruckerri, Vibrio sp. Tỷ lệ chết cao.
Dấu hiệu nhận biết: Xuất huyết ở khoang miệng, nắp mang, gốc vây. Xuất huyết toàn thân khi cá bị bệnh nặng. Mắt cá lồi ra, sưng đỏ hậu môn, sưng chướng bụng, mang thối rửa. Cá giảm ăn hoặc bỏ ăn.
- Cách chữa bệnh: Trộn Doxycycline 50%, 1 gr/30 – 40 kg cá/ngày, cho ăn liên tục 5-7 ngày.
Thứ 6: Bệnh nấm thủy mi
Tác nhân gây bệnh là một số giống nấm như: Leptolegnia, Aphanomices, Sarolegnia, Achlya.
Dấu hiệu nhận biết: Trên da cá lúc đầu có các vùng trắng xám, đó là các sợi nấm nhỏ mềm, sau đó nấm phát triển thành các búi trắng như bông. Một đầu sợi nấm bám vào da cá, đầu kia bơi tụ do ngoài môi trường nước. Cá ngứa ngáy, bơi lội hỗ loạn, mất phương hướng. Bệnh xuất hiện quanh năm, trừ mùa hè.
Nguồn: Internet
- Cách chữa bệnh: diệt nấm bằng dung dịch sát khuẩn CuSO4 5%, liều lượng: 1 lit/1.000m3 nước. Lưu ý không dùng thuốc khi pH nước thấp hơn 5.5.
Thứ 7: Bệnh trùng bánh xe
Tác nhân gây bệnh là trùng bánh xe thuộc giống Trichodina, Trichodinella, Tripartiella.
Dấu hiệu nhận biết: cá nổi trên mặt nước, ngứa ngáy, bơi lội không định hướng. Cá bị bệnh nặng trên thân có nhiều nhớt màu trắng đục, mang bạc trắng, do trùng bám vào làm mang sinh nhớt, phá hủy các tơ mang, cá không hô hấp được dẫn đến chết. Cá dễ nhiễm trùng bánh xe vào mùa xuân và thu, gây hại lớn cho cá hương và cá giống.
- Cách chữa bệnh: diệt nấm bằng dung dịch sát khuẩn CuSO4 5%, liều lượng: 1 lit/1.000m3 nước. Lưu ý không dùng thuốc khi pH nước thấp hơn 5.5.
Thứ 8: Bệnh trùng quả dưa
Tác nhân gây bệnh là loài trùng quả dưa Ichthyophthirius multifiliis. Cá thường bị trùng quả dưa tấn công vào mùa mưa.
Dấu hiệu nhận biết: cá nổi trên mặt nước, ngứa ngáy nên vùng vẩy rất nhiều. Trên da, mang, vây của cá có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ màu trắng đục có thể nhìn thấy được bằng mắt thường rất rõ. Da, mang cá bị bệnh có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt. Da cá chuyển sang màu đen sậm, trùng thường bám ở mang, phá hủy mang làm giảm chức năng hô hấp của cá.
- Cách chữa bệnh: Dùng Tolamin hòa tan vào nước tạt đều xuống ao mỗi tuần 2 lần với nồng độ 1g/m3làm liên tục từ 4-5 lần
Thứ 9: Bệnh trùng mỏ neo
Tác nhân gây bệnh là trùng mỏ neo thuộc giống Leronaea.
Dấu hiệu nhận biết: cá bơi lội bất thường, chậm chạp, kém ăn. Trên thân sẽ xuất hiện nhung con trùng mỏ neo bám vào da rất dễ nhận thấy. Trùng bám chặt vào cơ thể cá hút chất dinh dưỡng, gây nên những vết thương chảy máu làm cho cá gầy yếu và làm cơ hội cho các ký sinh trùng khác bám vào.
Nguồn ảnh: Internet
- Cách chữa bệnh: Dùng lá xoan 0,4 – 0,5 kg/m3nước thả vào ao có thể tiêu diệt được trùng mỏ neo. Do lá xoan phân hủy nhanh tiêu hao nhiều oxy và thải khí độc, nhất là mùa hè nhiệt độ cao, do đó phải theo dõi cấp nước kịp thời khi cần thiết.
Tham khảo các Chế phẩm sinh học hỗ trợ trong nuôi thủy sản
- Chế phẩm sinh học EM AQUA chuyên xử lý nước
- Men vi sinh xử lý khí độc NO2 (Bio-TC8)
- Men vi sinh xử lý khí độc NH4/NH3 (Bio-TC3)
- Men vi sinh xử lý đáy ao nuôi (Bio-TC7)
- Men vi sinh xử lý phèn (Bio-TC5)
- Chế phẩm sinh học EM1 (Em gốc) dùng cho thủy sản
- Chế phẩm xử ký khí độc cho ao nuôi (Bio-TC4)
- Men tiêu hóa dạng bột cho thủy sản
Trên đây là một số kinh nghiệm trong phòng và trị bệnh cho cá trắm cỏ, Tin Cậy hy vọng bà con sẽ bình tĩnh và có hướng xử lý chính xác nếu đàn cá của mình không may bi mắc 1 trong 9 loại bệnh phổ biến trên. Bà con có thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp công ty Tin Cậy để được hướng dẫn và đưa ra liệu trình xử lý cụ thể đối với từng tình trạng ao. Kính chúc bà con có một vụ nuôi cá thành công.
Tác giả: Trinh Nguyễn
Mọi thắc mắc về “Phòng và trị 9 bệnh thường gặp trên cá trắm cỏ”, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TIN CẬY
Địa chỉ: Số 4, Đường số 3, KDC Vạn Phúc, P Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 2253 3535 – 0902 650 369 – 0902 885 547 – 0902 671 281 – 0903 908 671
Email: kinhdoanh@tincay.com; tincaygroup@gmail.com, tincay@tincay.com
Website: tincay.com | thuysantincay.com | nongnhan.com
Youtube: Cty Tin Cậy | Nông Nhàn | Thuỷ Sản Tin Cậy
Facebook: Tin Cậy Group | Thủy Sản Tin Cậy | Thông tin nông nghiệp & chia sẻ